baoduy-autodaily
Thành viên tích cực
Có 3 mức trình độ được chương trình đưa ra: Individual (Cá nhân), Professional (Chuyên nghiệp) và cao nhất là Elite (Ưu tú). Tại Porsche MDA 2016 tôi đã hoàn thành khóa Chuyên nghiệp, chính vì vậy trong chương trình năm nay tôi đã có cơ hội trải nghiệm những chiếc xe thể thao xứ Stuttgart ở level cao nhất: Ưu tú. Và sau đây chính là những bài học tôi rút ra được sau một ngày “căng cơ” trên đường đua chuẩn Công thức 1, dưới sự hướng dẫn của quán quân giải đua 24h of Le Mans, Earl Bamber.
1. Không thể thiếu sự chuẩn bị bài bản, chuyên nghiệp
Porsche vốn luôn nổi tiếng trong những giải đua motorsport, và trong khi rất nhiều người trong số chúng tôi phấn khích bởi chữ “motor” thì Porsche đã làm rõ ngay rằng yếu tố “sport” cũng thực sự quan trọng, đặc biệt với thân hình của người cầm lái. Để giành chiến thắng và thậm chí bảo toàn mạng sống trên đường đua, bất kì tay đua nào cũng cần giữ được vóc dáng cân đối, hợp lí.
Chính vì vậy, trước cả khi đến với những bài học cầm lái, Porsche đã đưa chúng tôi đến phòng tập với sự chỉ dẫn của huấn luyện viên thể hình chuyên nghiệp. Tại đây những bài tập chuyên biệt cho đường đua được đưa ra, phần lớn với mục đích giãn gân cốt, đặc biệt là phần lưng, cánh tay và cổ.
2. Khả năng kiểm soát “vòng tròn ma sát” (Friction circle)
Một trong những bài học quan trọng nhất với chúng tôi là làm sao để hiểu, phân tích và nắm vững được khái niệm “vòng tròn ma sát” của lốp xe. Trong đua xe chuyên nghiệp, đây là khái niệm cơ bản đòi hỏi người lái phải thuần thục để kiếm soát tốt nhất có thể độ ma sát giữa lốp xe và mặt đường.
Thường thì lốp xe chỉ có 4 nhiệm vụ: phanh, tăng tốc, vào cua và chịu toàn bộ khối lượng chiếc xe. Khó khăn nằm ở chỗ người lái phải kiểm soát được cả 4 yếu tố này cùng lúc, đặc biệt là trên đường đua. Ra khỏi “vòng tròn”, nghĩa là sẽ không còn ma sát, bánh xe sẽ trượt khỏi mặt đường.
Lốp xe nhìn thì bự là vậy, thế nhưng nếu để ý bạn sẽ thấy phần tiếp xúc với mặt đường có diện tích cực khiêm tốn, có khi chỉ bằng một tấm bưu thiếp (thậm chí còn nhỏ hơn). Porsche đã minh họa một số thao tác như rà phanh khi ôm cua, tăng tốc khi thoát khỏi khúc cua… trong khi vẫn kiếm soát 4 “tấm bưu thiếp” luôn đúng hướng, hạn chế tối đa hiện tượng trượt.
3. Kĩ thuật tăng ga vào cua
Một kĩ thuật tối quan trọng khác khi lái xe performance, ấy chính là nhồi thêm ga khi vào cua. Nhiều người lầm tưởng rằng vô lăng là thứ duy nhất kiểm soát việc chuyển hướng của xe, nhưng không: chân ga cũng là một công cụ trợ giúp đắc lực trong rất nhiều trường hợp.
Ví dụ như trong bài tập chuyển hướng tại Khúc cua 5 và 6 với mẫu Panamera hoàn toàn mới, huấn luyện viên yêu cầu chúng tôi tăng áp lực lên bàn đạp ga. Kết quả rất rõ ràng, chiếc xe tự bó sát hơn vào đỉnh cua (apex), và thao tác này đã giúp tôi vào cua ở tốc độ cao hơn một chút.
4. Xử lí khi xe bị văng đầu (understeer)
Hiện tượng văng đầu (understeer) là một khái niệm dễ hiểu nhất khi… tự mình trải nghiệm. Với chiếc Boxster và 911 tại Khúc cua đầu tiên tương đối gắt của Sepang, chúng tôi được chỉ dẫn vào cua ở tốc độ khá cao với mặt đường trơn trượt. Kết quả là ma sát thấp khiến chiếc xe trượt thẳng cho dù đã đánh hết lái. Vào cua quá nhanh hoặc cua quá gắt là hai nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng này.
Bài tập này được thực hiện với hệ thống kiểm soát ổn định thân xe Porsche Stability Management (PSM) ở cả 2 trạng thái ON và OFF, kết quả khá dễ hiểu khi người lái kiểm soát tốt hơn khi có PSM can thiệp. Khi tắt hệ thống này, chúng tôi phải tự xử lí tình huống bằng cách trả lái và nhả ga cho đến khi xe trở về quỹ đạo kiểm soát được.
5. Kiếm soát văng đuôi (oversteer)
Cũng tại Khúc cua số 1 tôi đã nói phía trên, ngay khi bánh trước rời khỏi đoạn đường trơn trượt là lúc chiếc xe gặp hiện tượng văng đuôi (oversteer). Trên thực tế, đây chính là lúc mọi chuyện trở nên thú vị hơn, bởi khi oversteer một cách có chủ ý, người ta sẽ gọi đó là drift.
Hai yếu tố quan trọng nhất khi drift chính là bù lái (đánh lái về phía ngược lại của góc cua) và kiểm soát chân ga để duy trì cú văng đuôi. Sai lầm một chút thôi cũng đủ khiến chiếc xe xoay tròn và dừng lại ngay giữa khúc cua. Nhưng nếu làm chuẩn, chiếc xe sẽ vào cua cực kì đẹp mắt với màn “đốt lốp” đầy phấn khích.
6. Phân tích kết quả vòng đua với xe theo dõi
Một điều vô cùng đặc biệt tại Porsche MDA chính là khả năng phân tích kết quả vòng đua thông qua một chiếc xe theo dõi. Porsche Cayenne GTS chính là chiếc xe cùng chúng tôi thực hiện bài tập này. Dù mang vóc dáng to xác, nặng nề nhưng nó không hề nao núng khi thực hiện những vòng đua tại Sepang.
Trong khi tôi thực hiện lượt lái của mình, huấn luyện viên Admi Shahrul bám sát phía sau trên một chiếc Cayenne Turbo, ghi lại toàn bộ quá trình lái của tôi vòng quanh đường đua, những điểm phanh, đường cua… và khả năng kiểm soát tổng thể.
Khi lượt lái kết thúc, chúng tôi quay trở về phòng và xem lại video vừa được ghi lại, cũng như nghe những phân tích chuyên môn của huấn luyện viên. Những lời phân tích này quả thực là vô giá, nó giúp chúng tôi tự nhìn nhận lại những điểm tốt và cả khuyết điểm cần cải thiện của mình, hoặc là xem khả năng… bào chữa sai lầm của bản thân tốt tới đâu.
7. Điều gì khiến Porsche đặc biệt?
Nhìn chung mà nói, có thể thấy điều tuyệt vời nhất khi tham gia một chương trình như Porsche MDA chính là sự đa dạng trong những mẫu xe được trải nghiệm. Từ những chiếc 911 đủ mọi phiên bản Carrera S, 4S, Targa…, cho đến Boxster, Panamera hay Cayenne, với mỗi chiếc xe lại phản ứng khác nhau với những dạng bài tập khác nhau.
Dàn xe danh giá của Porsche chờ chúng tôi ngay dưới đường pit
Sự đa dạng ấy đến từ hệ thống lái (cầu sau hay dẫn động bốn bánh), vị trí đặt động cơ (đặt trước, giữa hay đặt sau), đến từ những tinh chỉnh khác biệt của hệ thống treo, của trọng lượng tổng thể và các hệ thống điện tử hỗ trợ… Dù là coupe thể thao, sedan hay là SUV, mọi chiếc xe đều góp phần đem lại cảm xúc vô cùng phong phú cho người cầm lái.
Bên cạnh chương trình dành riêng cho giới báo chí, Porsche cũng đưa đến cơ hội trải nghiệm cho bất kì tín đồ tốc độ nào với chương trình Porsche Sport Driving School (SDS). Có bốn level tương ứng từ thấp đến cao: Warm-up (Khởi động, phí tham dự 2.000 $ Singapore tương đương 1.500 USD), Precision (Chuẩn mực, 2.650 $ Singapore tương đương 2.000 USD), Performance (Hiệu suất cao, 3.300$ Singapore tương đương 2400 USD) và level cao nhất, tương tự mức Elite của MDA: Master (Bậc thầy, 3.550$ Singapore tương đương 2.600 USD).
Theo c-magazine.com (forum.autodaily.vn)