Nissan X-Trail 2017 – Đáng để cầm lái

Tốt hơn và khác biệt
Chính thức ra mắt thị trường Việt Nam vào cuối tháng 9/2016, tức sau sự xuất hiện của Mitsubishi Outlander không lâu, Nissan X-Trail  trở thành tân binh mới nhất ở phân khúc xe gầm cao cỡ trung bên cạnh những tên tuổi “lâu năm” như Honda CR-V, Mazda CX-5 hay “cặp sinh đôi” Hàn Quốc KIA Sportage và Hyundai Tucson.  
nissan-x-trail-2017-3.jpg
 Một “gương mặt mới” như Nissan X-Trail vẫn có cơ hội để chiếm lĩnh thị trường[/i]
Xuất hiện muộn hơn các đối thủ trong phân khúc crossover, nhiều người cho rằng, Nissan X-Trail sẽ khó mà tìm nổi “chỗ đứng”. Nhưng tôi thì quan niệm khác. Như tôi đã nói trong phần intro của bài đánh giá: “Không một “bàn tay” nào đủ lớn để có thể che lấp mặt trời. Và đó là cơ hội để cho một “tân binh” như Nissan X-Trail xuất hiện và chiếm lĩnh thị trường”. Bây giờ, chúng ta hãy cùng phân tích.
Khi thị trường ôtô Việt Nam lớn mạnh, hầu hết các phân khúc xe “ngõ ngách” trên thị trường đều đã có những “tên tuổi” lớn trấn giữ vị trí dẫn đầu. Đơn giản, những Honda, Mazda, Hyundai do “đến trước” nên dễ dàng chiếm được vị thế tiên phong. Và khi chiếm được vị thế tiên phong, sản phẩm của họ là CR-V, CX-5… sẽ có được những ưu thế lớn trong tâm trí khách hàng. Bởi theo góc độ tâm lý, người tiêu dùng thường nhớ đến những thứ đầu tiên.
Vấn đề của những sản phẩm xuất hiện muộn hơn trong phân khúc crossover như Nissan X-Trail là làm cách nào để lấy được cảm tình của người tiêu dùng khi ở đây đã có những kẻ thống trị? Câu trả lời thường được đưa ra là: “Tạo ra một sản phẩm tốt hơn sản phẩm dẫn đầu. Khách hàng sẽ nhận ra sản phẩm tốt hơn và sản phẩm tốt sẽ chiến thắng”. Rất tiếc, chiến lược đó hiếm khi thành công.
nissan-x-trail-2017-39.jpg
X-Trail không chỉ cần “tốt hơn” mà còn phải là một sản phẩm “khác biệt”[/i]
Tuy thế, không phải không có cách để tạo được dấu ấn của mình. Về mặt tâm lý, khách hàng không bao giờ muốn bị giới hạn lựa chọn của mình chỉ với một thương hiệu. Người tiêu dùng lo sợ sự độc quyền, lo sợ việc mình phải phụ thuộc vào chỉ một nhà sản xuất. Chính vì thế, khi thị trường xuất hiện những thương hiệu mới, người tiêu dùng sẽ có tâm lý ủng hộ.
Nhưng muốn được người dùng ủng hộ, X-Trail không chỉ cần “tốt hơn” mà còn phải là một sản phẩm “khác biệt”. Nhận thấy cơ hội này, Nissan đã thực sự nghiêm túc trong việc nghiên cứu, phát triển sản phẩm nhằm tạo được sức cạnh tranh cũng như đáp ứng chính xác nhu cầu của khách hàng Việt Nam. Chúng ta hãy cùng xem X-Trail “khác biệt” ở chỗ nào qua phần đánh giá chi tiết ngoại, nội thất và khả năng vận hành của chiếc xe.
Kiểu dáng: Khác biệt từ sự đơn giản
Cần phải nói ngay rằng, Nissan X-Trail 2017 nhìn bên ngoài đã đẹp hơn nhiều so với các thế hệ trước đó. Gia nhập thị trường Việt Nam khi vòng đời sản phẩm đã bước sang thế hệ thứ 3, Nissan X-Trail 2017 đã rủ bỏ dáng vẻ cứng cáp để khoác lên mình diện mạo thanh thoát hơn. Đây được xem là thay đổi hợp thời, trong bối cảnh khách hàng ngày càng chuộng xe SUV, Crossover nhỏ gọn, thời trang đi kèm nhiều tính năng, công nghệ.
nissan-x-trail-2017-13.jpg
Nissan X-Trail 2017 nhìn bên ngoài đã đẹp hơn nhiều so với các thế hệ trước đó[/i]
Sở hữu kích thước tổng thể 4.640 x 1.820 x 1.715mm, mẫu SUV 5+2 chỗ của Nissan có thiết kế dài, thấp với những đường nét thể thao, khỏe khoắn. So với các mẫu xe cùng phân khúc, kích thước thiết kế của Nissan X-Trail 2017 chỉ chênh lệch khoảng 100 mm về chiều dài, chiều rộng và chiều cao. Tuy nhiên, Nissan đủ khôn ngoan để hiểu rằng đây không phải là yếu tố tiên quyết để X-Trail tạo khác biệt. Vì vậy, hãng xe Nhật hướng X-Trail 2017 theo phong cách của những chiếc Crossover 5+2.
Đây được xem như nước cờ chiến lược của Nissan khi đưa X-Trail vào Việt Nam. Bởi, hai “ông lớn” Mazda CX-5 và Honda CR-V vẫn còn bỏ ngõ kiểu thiết kế này, trong khi sức cạnh tranh đến từ Mitsubishi Outlander, Chevrolet Captiva… chưa đủ lớn. 



Tôi thích phần đầu xe hơn, khi Nissan “gửi gắm” nhiều nét mới ở đây, trong khi vẫn giữ được thần thái mang “bản sắc Nissan”. Đó là lưới tản nhiệt tạo hình V- motion được mạ crôm lạ mắt. Đó là cụm đèn trước liền mạch cũng được thiết kế hình lục giác với dải LED chiếu sáng ban ngày. Phần hốc gió hình mắt cáo bên dưới tách rời với lưới tản nhiệt phía trên, được sơn tối màu, viền một dải crôm mỏng ở cản trước làm điểm nhấn. Hốc đèn sương mù hình thoi góc cạnh cũng góp phần tạo nên diện mạo hiện đại của X-Trail.
Phần hông xe mềm mại, không có đường dập nổi nào, để lại vai trò điểm nhấn cho bộ lazang cỡ lớn bên dưới được thiết kế khá cầu kì, đẹp mắt. Phía trên là cặp giá nóc.



Nissan X-Trail 2017 có phần đuôi được thiết kế tương đối đơn giản. Các đường nét dứt khoát, không cầu kỳ, đặc biệt là cụm đèn hậu LED 3 tầng chia làm 2 khoang, khoang chính vuốt nhẹ về bên hông, khoang nhỏ gắn trên cửa cốp xe. Một thanh ngang mạ crôm kiêm tay nắm cửa phía trên cũng thiết kế một cách tương đối gọn gàng tại vị trí gắn biển số. Đèn phanh phụ nằm tại đuôi gió phía trên cao giúp người đi đường tiện quan sát từ xa. Đèn phản quang đặt thấp ở cản xe tăng khả năng nhận diện khi đi vào buổi tối. Ống xả nằm phía dưới gầm xe hài hòa với thiết kế tổng thể.
Nội thất: Tăng tính tiện nghi
Những người sử dụng xe hơi tại Việt Nam ngày càng có xu hướng thực dụng hơn. Họ cần một khoang xe tiện nghi, thoải mái khi di chuyển. Vì vậy, hãng xe Nhật Bản chẳng tội gì mà phải tạo ra một khoang nội thất cầu kỳ, hoa mỹ về thiết kế. Họ chú tâm đến nâng cấp công nghệ.
nissan-x-trail-2017-24.jpg
Nissan chú tâm đến nâng cấp công nghệ cho nội thất của X-Trail[/i]
Đầu tiên hãy nhìn vào ca-bin xe (vị trí người lái). Tay lái 3 chấu bọc da, tích hợp nút bấm điều khiển, chỉnh 4 hướng cho tư thế lái thoải mái, điều khiển bằng giọng nói hiện đại. Gương chiếu hậu chống chói tự động cũng rất hữu ích khi xe chạy vào buổi tối. Ngoài ra, màn hình hỗ trợ lái xe ADAD cũng giúp người lái rất nhiều trong việc cung cấp các thông tin cần thiết.
X-Trail sở hữu màn hình 6.5 inch và hệ điều hành Android làm bảng điều khiển trung tâm, tích hợp Radio, MP3/ AUX/ USB, với 6 loa. Lái xe còn có thể điều chỉnh không gian hoạt động của các loa quanh xe. Chẳng hạn, nếu đi một mình thì bật chế độ loa chỉ dành cho vị trí tài xế. Ngoài ra, xe tích hợp 2 ổ cắm điện rất tiện lợi nếu hành khách chẳng may quên sạc pin các thiết bị điện tử khi ở nhà, cơ quan.



Xe trang bị chìa khóa thông minh và khởi động bằng nút bấm – một trang bị có trên rất nhiều loại xe hiện nay, mà giả dụ như “thiếu vắng”, nhà sản xuất lập tức sẽ bị khách hàng “tra khảo” và yêu cầu bổ sung. Ghế lái chế tạo theo thiết kế không trọng lực, cho phép chỉnh điện 8 hướng, hỗ trợ xương sống theo nghiên cứu của Cơ quan hàng không vũ trụ Hoa Kỳ - NASA, ngồi tựa lưng êm ái và thoải mái. Ghế hành khách trước cũng cho chỉnh điện 4 hướng. Lái xe khoảng 1.200 cây số cả đi lẫn về, đây là điểm khiến tôi rất hài lòng. Ngồi lâu nhưng không cảm thấy bị mỏi, đau lưng hay ê cứng mông.



Hệ thống điều hòa của Nissan X-Trail được vận hành tự động 2 vùng độc lập với chức năng lọc bụi bẩn, có cửa gió cho hàng ghế sau, giúp cho việc làm mát không gian trong xe diễn ra nhanh chóng và dễ chịu. Với khí hậu số ngày nắng trong năm ngày càng tăng lên, cùng với việc các gia đình Việt thường đi cả nhà về quê thì rõ ràng đây là một điểm cộng.
Tay nắm cửa trong của X-Trail cũng được mạ crôm sang trọng. Xe được đánh giá cao khi sở hữu cả trang bị cửa sổ trời kép Panorama. Tính hữu dụng của chi tiết đáng tiền này là giúp khoang xe tiếp nhận ánh sáng nhiều hơn, không gian thoáng đãng hơn. Nó mang lại cảm giác dễ chịu hơn cho người lái, đồng thời người ngồi phía sau cũng được tận hưởng trọn vẹn hơn khi hòa mình vào những chuyến khám phá vẻ đẹp thiên nhiên.
Hàng ghế thứ hai thoải mái cho người lớn với không gian trần xe cao, có thể gập lại theo tỷ lệ 40:20:40 cũng như có thể trượt lên xuống giúp chia sẻ không gian duỗi chân cho hành ghế thứ 3. Hàng ghế cuối của xe khá nhỏ chỉ phù hợp với những trẻ nhỏ. Vị trí này xem ra chỉ phù hợp để di chuyển những quãng đường ngắn, song, đó cũng là một chút lợi thế so với các mẫu SUV 5 chỗ.
nissan-x-trail-2017-36.jpg
 Nissan X-Trail hấp dẫn khách hành với không gian khoang hành lý rộng rãi so với các đối thủ[/i]
Hàng ghế thứ 3 có thể được gập phẳng theo tỷ lệ 50:50. Bên cạnh yếu tố cạnh tranh từ 7 chỗ ngồi tiện dụng, Nissan X-Trail còn hấp dẫn khách hành với không gian khoang hành lý rộng rãi so với các đối thủ. Khi hàng ghế thứ 3 được sử dụng, xe cho không gian chứa đồ 135L và tăng lên 550L khi hàng ghế thứ 3 được gập lại. Lớn hơn 147L so với con số 403L của Mazda CX-5 hay Hyundai Tucson với 488L. Một điểm khá thú vị là cốp xe có thể mở bằng cách đặt tay cảm ứng. 
Vận hành: Đáng để cầm lái
Mọi thành tích hay những con số thống kê ấn tượng của X-Trail sẽ trở nên mơ hồ hoặc chỉ để “nghe cho vui” nếu bạn không trực tiếp cầm lái chiếc xe. “Trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một thử”. Và quả thực, chỉ có dịp cầm lái Nissan X-Trail khoảng gần 1.200km với đủ các loại đường hỗn hợp, tôi mới hiểu tại sao mẫu xe này lại được đánh giá cao về tính hữu dụng đến như vậy. Và cũng nhờ đó, tôi mới hiểu cái lý của Nissan: “Khi kiểu dáng thiết kế chưa hẳn là thế mạnh, hãng xe Nhật tận dụng những công nghệ để giúp X-Trail trở nên hấp dẫn hơn về khả năng vận hành”.
nissan-x-trail-2017-45.jpg
Hãng xe Nhật tận dụng những công nghệ để giúp X-Trail trở nên hấp dẫn hơn về khả năng vận hành[/i]
Đầu tiên phải kể đến khả năng đi phố. Ghế lái góp phần mang lại góc quan sát khá rộng. Tay lái trợ lực điện tạo cảm giác đánh lái nhẹ và chính xác ở tốc độ dưới 50 km/giờ. Bên cạnh đó, sự hỗ trợ của Hệ thống camera quan sát xung quanh xe giúp người lái dễ dàng xác định vị trí, khoảng cách với các vật cản, từ đó có thao tác lái chính xác hơn. Tuy nhiên, công nghệ quan sát toàn cảnh này cần mất thời gian để quen với hiệu ứng fisheye. Tôi cho rằng, nếu như công nghệ này không thể được làm tốt hơn, một camera lùi truyền thống xuất sắc là tất cả những gì bạn cần.
Dọc cung đường Trường Sơn, xuất phát tại Hà Nội kéo dài đến Đồng Hới (Quảng Bình), tôi có dịp cảm nhận phản ứng của hệ thống động cơ I4 dung tích 2.5 lít, kết hợp với hộp số vô cấp điện tử Xtronic - CVT trang bị trên X-Trail 2.5L SV. 



Trên đường cao tốc, Nissan X-Trail mang lại cảm giác khá êm ái, mượt mà trong mỗi động tác đạp ga, tăng tốc nhưng lại thiếu đi độ “bốc”. Phản ứng từ động cơ, hộp số CVT ngay trong nhịp ga đầu chưa thật sự nhạy bén, nhưng khi đã tạo trớn, nếu người lái tiếp tục “mớn ga” X-Trail dễ dàng đạt tốc độ 100 rồi 120 km/giờ. Tuy nhiên, đây không hẳn điểm hạn chế của X-Trail, bởi hộp số vô cấp CVT trên mẫu xe này còn có chế độ số tay 7 cấp, phần nào giúp người lái thỏa mãn cảm giác lái thể thao.
Bên cạnh đó là chức năng Cruise Control, đây là một chức năng không mới nhưng sự tiện lợi của nó là điều không thể không nhắc đến. Thử hệ thống này trên đường cao tốc thì quá “nhàm”, thử trên đường đèo, dốc mới thấy được cái hay mà không phải ai cũng biết. Đoạn đường từ Ngọc Lặc (Thanh Hóa) đến Tân Kỳ (Nghệ An) có chất lượng mặt đường tốt, nhưng nhiều khúc cua quanh co liên tục và biển báo giới hạn vận tốc 40 km/h chính là đất cho Cruise Control trên X-Trail “dụng võ”. Tôi đã đã thiết lập ở mức 40 km/h và X-Trail đã tự động “nhấn ga” giúp cho tôi rảnh chân hơn và chỉ việc đặt hờ chân vào bàn đạp phanh để phòng khi có tình huống bất ngờ. Khi xe xuống dốc, hệ thống Cruise Control chủ động giảm tốc, khi lên dốc thì ngược lại, hệ thống sẽ “bù” ga nhằm đảm bảo vận tốc tối đa ở mức đã đặt, việc lái xe giờ đây đơn giản hơn bao giờ hết.
nissan-x-trail-2017-46.jpg
Khả năng đổ đèo, vào cua của X-Trail là rất tuyệt vời[/i]
Từ địa phận Nghệ An vào đến Quảng Bình, con đường trải dài “thẳng cánh cò bay”, lúc chập chùng, lúc quanh co rồi bất ngờ gặp đèo Đá Đẽo. Đây là lúc tôi kiểm chứng khả năng đổ đèo, vào cua của X-Trail. Ở những khúc cua ngặt, xe “ôm” rất tròn, bánh xe như bám lấy mặt đường dù đi ở tốc độ cao. Điều này có được là nhờ sự can thiệp của hệ thống kiểm soát khung gầm với ba công nghệ kiểm soát lái chủ động (ARC), phanh động cơ chủ động (AEB) và kiểm soát vào cua chủ động (ATC). Nó giúp tôi dễ dàng làm chủ tốc độ và giữ cho xe luôn đi đúng quỹ đạo, tăng độ bám đường. Tôi điều khiển xe liên tục di chuyển ở tốc độ 80km/h. Ở dải tốc độ này, nếu tiếp tục nhấn ga khi cần vượt những chiếc công-ten-nơ dài ngoằng, X-Trail vẫn tăng tốc tốt dù xe sử dụng hộp số CVT.
Đi Quảng Bình mà không “thử” “đặc sản” cát thì hơi phí. Ngày hôm sau, chúng tôi quyết định cùng Nissan X-Trail “chinh phục” địa hình đồi cát dọc bờ biển Đồng Hới. Tuy là một chiếc SUV cỡ nhỏ, nhưng Nissan X-Trail thừa khả năng chinh phục đa dạng địa hình dù là khó khăn nhất. Một mẫu xe đa dụng địa hình luôn đi cùng rất nhiều trang bị hiện đại xứng tầm để thoả mãn các tay lái khó tính nhất, và điều đó đã được chứng minh thực tế. Không phải ngẫu nhiên mà mẫu xe crossover X-Trail đã được đón nhận và tin dùng của hơn 2 triệu khách hàng tại hơn 190 quốc gia.
nissan-x-trail-2017-2.jpg
Nissan X-Trail “chinh phục” địa hình đồi cát dọc bờ biển Đồng Hới[/i]
Để có thể “khiêu vũ” cùng chiếc xe trên sườn những đồi cát khi vàng óng, khi trắng muốt, chúng tôi xì bớt hơi ở 4 lốp xe, xoay núm chuyển hệ dẫn động từ cầu trước (2WD) sang chế độ Auto, lúc này biểu tượng Auto màu vàng sẽ nhấp nháy trên mặt đồng hồ. Auto là chế độ tương tự như 2WD nhưng xe sẽ tự động kích hoạt thêm cầu sau khi các cảm biến nhận ra bánh trước mất độ bám. Để ở chế độ này, chiếc X-Trail ban đầu bị rê trượt chút xíu nhưng cũng dần dần tiến được lên sườn đồi.



Tuy nhiên, khi gặp phải đoạn cát lún hay những gò cát cao, chúng tôi buộc phải chuyển sang chế độ 4WD LOCK bằng cách xoay nút sang phải. Lúc này lực kéo được phân bổ đều giữa hai trục. Độ trơn trượt giảm xuống, xe cũng cho cảm giác mạnh hơn, "lì lợm" hơn khiến việc vượt dốc cát dễ dàng hơn. Do việc phân bố lực thông minh giữa các bánh, nên hễ cứ bánh nào mất độ bám là các bánh còn lại lấp tức hỗ trợ đẩy chiếc xe tiến lên phía trước. Được một lúc, bánh xe dường như quen với cát, người lái quen với từng cú đánh vô-lăng thì chiếc xe như băng lướt, nhảy múa trên những đồi cát trắng. 
nissan-x-trail-2017-47.jpg
Bên cạnh khả năng vận hành, công nghệ an toàn cũng là điểm mạnh của X-Trail[/i]
Bên cạnh khả năng vận hành, công nghệ an toàn cũng là điểm mạnh của X-Trail. Ngoài các trang bị tiêu chuẩn như chống bó cứng phanh ABS, phân bổ lực phanh điện tử EBD và hỗ trợ phanh khẩn cấp BA. X-Trail còn có hệ thống cân bằng điện tử VDC, phanh chủ động hạn chế trượt ABLS, kiểm soát độ bám đường TCS và 6 túi khí dành cho bản X-Trail 2.5L SV. Vì thế, hành trình lái X-Trail đi dọc miền Trung của chúng tôi không chỉ thú vị mà còn cực kỳ an toàn. Cá nhân tôi đánh giá, đây là mẫu xe xứng đáng để bạn cầm lái, và càng đi, càng thấy hay.
Đánh giá
X-Trail 2017 khác biệt về thiết kế, công nghệ, khác biệt trong vận hành để “ghi điểm” trong mắt người dùng. Chính sự khéo léo khi đi theo phong cách thiết kế Crossover 5+2, đồng thời ứng dụng tính năng, công nghệ mới… đã từng bước giúp X-Trail tạo được vị thế trong phân khúc. 
nissan-x-trail-2017-8.jpg

Sau gần 1 năm phân phối tại thị trường 90 triệu dân với nhu cầu về xe hơi ngày càng cao, dù đến sau nhưng X-Trail đã biến phân khúc Crossover tại Việt Nam, vốn được xem như “chiến địa” riêng của Mazda CX-5 và Honda CR-V, trở thành cuộc đua tam mã đầy tính cạnh tranh.
Thế Đạt (forum.autodaily.vn)
 
Back
Top